Chiều 9-8, các trường THPT công lập ở TP.HCM đã kết thúc đợt nhận hồ sơ tuyển bổ sung lớp 10 năm học 2023 – 2024.

tuyen sinh lơp 10
Học sinh ở TP.HCM làm thủ tục dự thi lớp 10 năm 2023 – Ảnh: NHƯ HÙNG

 

Theo đó, chỉ có 1.014 em dự tuyển bổ sung trong khi toàn thành phố có hơn 20.300 học sinh rớt lớp 10.

Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho biết trong đợt tuyển bổ sung này, rất nhiều trường THPT công lập có số hồ sơ dự tuyển ít hơn chỉ tiêu. 

Không chỉ những trường ở vùng ven, ngoại thành mà nhiều trường ở nội thành cũng rơi vào tình trạng này, trong đó có các trường THPT Phong Phú (huyện Bình Chánh), THPT Nguyễn Văn Tăng (TP Thủ Đức), THPT Nguyễn Văn Linh (quận 8), THPT Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh), THPT Năng khiếu TDTT huyện Bình Chánh, THPT Ernst Thälmannn (quận 1), THPT Lương Thế Vinh (quận 1), THPT Trần Hữu Trang (quận 5)…

Thậm chí một số trường THPT tốp đầu không có thí sinh nào dự tuyển bổ sung.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online tối 9-8, một lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM phân tích: “Con số 1.014 học sinh đăng ký tuyển bổ sung lớp 10 cho thấy đa phần học sinh đã lựa chọn con đường học tập phù hợp. Đó là các trường THPT tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên, hệ cao đẳng/trung cấp nghề. 

Đối với các trường THPT ở vùng ven, ngoại thành thì nhiều học sinh ngại di chuyển quá xa.

Các trường THPT công lập ở nội thành cũng chưa phải là ưu tiên số 1 đối với nhiều gia đình có điều kiện kinh tế. Do vậy, một số học sinh thi lớp 10 đạt điểm cao nhưng lại chọn học ở trường ngoài công lập. 

Hiện nay các trường THPT ngoài công lập ở TP.HCM đang phát triển khá nhanh. Ngoài việc nâng cao chất lượng giảng dạy, hệ thống trường ngoài công lập còn có nhiều dịch vụ đáp ứng nhu cầu của những phụ huynh bận rộn”.

Cũng theo vị cán bộ trên, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên ở TP.HCM đã và đang được đầu tư, cải thiện rất nhiều so với trước đây. Cơ sở vật chất, phòng ốc hiện đại, khang trang hơn. Giáo viên cũng được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn như giáo viên các trường THPT. Số môn học hệ giáo dục thường xuyên ít hơn các trường THPT nhưng khi thi tốt nghiệp THPT các em thi đề như nhau, bằng cấp có giá trị ngang nhau, cơ hội xét tuyển vào ĐH cũng như nhau.

Đối với hệ trung cấp nghề cũng có những ưu điểm tương tự. Đa số học sinh khi vào trường trung cấp nghề sẽ chọn học nghề song song với việc học văn hóa hệ giáo dục thường xuyên. Khi tốt nghiệp học sinh vừa có bằng nghề vừa có bằng tốt nghiệp THPT.

Theo Tuổi  Trẻ Online