Tuyển sinh đại học 2022: Giảm phụ thuộc điểm thi tốt nghiệp THPT

Với việc áp dụng đồng thời nhiều phương thức tuyển sinh trong năm 2022 dẫn đến nhiều trường ĐH dành tỉ lệ chỉ tiêu rất ít cho xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT

Theo Bộ GD-ĐT, năm 2022 các trường đại học thực hiện tự chủ trong tuyển sinh theo quy định của pháp luật và quy chế, hướng dẫn của Bộ GD-ĐT; thực hiện tuyển sinh theo đề án của trường, bảo đảm công bằng cho các nhóm đối tượng và các phương thức. Năm nay, hầu hết các trường đều sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau như xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia, xét học bạ THPT và các phương thức kết hợp khác.

Chỉ dành 10 – 15% chỉ tiêu xét điểm thi THPT

Có thể thấy các trường đại học ngày càng đa dạng phương thức tuyển sinh, giảm phụ thuộc vào điểm thi tốt nghiệp THPT. Phần lớn các trường không thay đổi nhiều về các phương thức xét tuyển so với năm trước. Tuy nhiên, tỉ lệ chỉ tiêu giữa các phương thức đã có sự thay đổi rõ rệt ở một số trường.

Trường ĐH Kinh tế quốc dân là trường cắt giảm mạnh nhất chỉ tiêu dành cho phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Trường dự kiến tuyển khoảng 6.100 chỉ tiêu. Trong đó, xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT và xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường chiếm đến 80 – 85%, trong khi phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT trường dành chỉ tiêu thấp nhất từ trước đến nay chỉ còn 10 – 15% chỉ tiêu.

Trường ĐH Kinh tế – luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) tuyển sinh theo 6 phương thức và đa dạng hình thức xét tuyển vào 45 ngành, chương trình đào tạo ĐH chính quy. Trong đó, phương thức 3 – xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022, trường dành 30 – 60% tổng chỉ tiêu.

Trường ĐH Kinh tế TP.HCM năm nay giữ ổn định sáu phương thức xét tuyển như năm trước nhưng phân bổ lại chỉ tiêu cho từng phương thức: xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD-ĐT và xét tuyển đối với thí sinh tốt nghiệp chương trình THPT nước ngoài và có chứng chỉ quốc tế (chỉ tiêu 1% theo ngành); xét tuyển học sinh giỏi (20% theo ngành); xét tuyển quá trình học tập theo tổ hợp môn (40% theo ngành); xét tuyển dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2022 (10% theo ngành); xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 (chỉ tiêu còn lại)…

Đánh giá toàn diện năng lực thí sinh

Tương tự, Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT với ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là 22 điểm (cho tất cả các ngành và tổ hợp xét tuyển).

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến cũng chỉ tuyển 10 – 20% chỉ tiêu theo kết quả thi THPT cho một số chương trình đào tạo. Trường còn đưa ra thêm điều kiện đảm bảo chất lượng đầu vào là thí sinh phải có điểm trung bình chung sáu học kỳ mỗi môn học THPT trong tổ hợp xét tuyển đạt từ 7 trở lên (hoặc tổng điểm trung bình sáu học kỳ của ba môn học từ 42 trở lên). Riêng phương thức xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá tư duy, trường dành đến 60 – 70% tổng chỉ tiêu.

PGS.TS Bùi Hoài Thắng – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) – cho hay từ năm 2022 nhà trường cũng dự kiến tuyển sinh theo hình thức kết hợp các tiêu chí để đánh giá toàn diện năng lực thí sinh bao gồm: năng lực học tập, hoạt động xã hội, hoạt động văn thể mỹ, bài luận, thư giới thiệu, phỏng vấn.

“Dự kiến phương thức này sẽ là phương thức chủ đạo trong tuyển sinh của trường từ năm 2022. Cụ thể, năng lực học tập bao gồm: kết quả học THPT, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực… và các chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tuyển sinh quốc tế. Trong đó, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực là một thành tố quan trọng khi thí sinh trúng tuyển bằng kết quả kỳ thi này đang thể hiện tốt năng lực học tập tại trường. Như vậy, điểm thi tốt nghiệp THPT chỉ là một trong các điều kiện để xét tuyển vào trường”, ông Thắng nói.

Tương tự, nhiều trường tốp trên đều đã công bố tăng mạnh chỉ tiêu xét điểm thi năng lực trong tuyển sinh năm nay. Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) tuyển theo bảy phương thức, trong đó dành đến 70% chỉ tiêu xét kết quả thi năng lực.

“Riêng phương thức xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, trường chỉ dành 15 – 50% chỉ tiêu theo ngành/nhóm ngành. Những năm gần đây, kỳ thi tốt nghiệp THPT chủ yếu hướng tới mục tiêu xét tốt nghiệp. Bên cạnh đó, do dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn đến việc học của học sinh lớp 12 nên Bộ GD-ĐT ra đề có phần nhẹ nhàng hơn, nên để phân loại thí sinh để xét tuyển bằng điểm thi THPT không cao. Việc điều chỉnh tỉ lệ chỉ tiêu phương thức xét điểm thi THPT theo hướng giảm nhằm phân loại thí sinh tốt hơn, tuyển đúng đối tượng và đảm bảo chất đầu vào”, ThS Phùng Quán – trưởng phòng thông tin truyền thông nhà trường – chia sẻ.

Theo Tuổi Trẻ Online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *