Tuyển sinh đại học, cao đẳng 2022: Trên 20 phương thức xét tuyển

Nhiều nội dung điều chỉnh đã được Bộ GD-ĐT đặt ra để thảo luận tại Hội nghị tuyển sinh đại học và cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2022, tổ chức chiều 16-3.

Trong đó, giải pháp “lọc ảo” với mục đích tạo thuận lợi cho các trường và thí sinh đã được bàn sâu.

Đăng ký xét tuyển online 100%

Sau hai năm thực hiện mạnh mẽ việc giao tự chủ tuyển sinh cho các trường đại học, 2022 là năm các phương thức xét tuyển đa dạng nhất với trên 20 phương thức, chưa kể các phương thức kết hợp. Tuy nhiên, từ thực tế tuyển sinh năm 2021, Bộ GD-ĐT cho biết có nhiều điểm bất cập dẫn tới thiếu khách quan với thí sinh khi tham gia xét tuyển ở các phương thức, tổ hợp xét tuyển khác nhau.

Theo bà Nguyễn Thu Thủy – vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), năm 2021 nhiều trường đồng thời sử dụng nhiều phương thức, tổ hợp xét tuyển cho một ngành nhưng lại phân bố chỉ tiêu không hợp lý hoặc tuyển sinh không đúng với chỉ tiêu đã công bố cho từng phương thức xét tuyển. Một trong những biểu hiện là điểm chuẩn xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT ở nhiều trường dâng cao dẫn tới việc thí sinh đạt 30 điểm vẫn không trúng tuyển.

“Các trường áp dụng nhiều phương thức xét tuyển nhưng lại không có biện pháp đảm bảo công bằng giữa thí sinh. Gọi thí sinh nhập học sớm mà không nhập dữ liệu lên hệ thống chung, dẫn tới số lượng thí sinh ảo lớn, chưa tạo điều kiện cho thí sinh có lựa chọn ngành học theo đúng nguyện vọng ưu tiên nhất, có năng lực nhất” – bà Thủy nhấn mạnh.

Từ đánh giá này, Bộ GD-ĐT đặt ra một số giải pháp mang tính kỹ thuật để khắc phục tình trạng trên. Theo đó, năm 2022 thí sinh sẽ đăng ký xét tuyển online 100%. Ngoài việc đăng ký theo quy trình của các trường, thí sinh đăng ký lên hệ thống của Bộ GD-ĐT. Và thay vì đăng ký trước thì nay sẽ đăng ký sau kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thí sinh đăng ký xét tuyển với các nguyện vọng được xếp thứ tự từ 1 đến hết, bao gồm các nguyện vọng theo ngành, trường và các phương thức xét tuyển khác nhau.

Khắc phục bất cập năm 2021

Tại hội nghị, ông Hoàng Minh Sơn – thứ trưởng Bộ GD-ĐT – cho biết những điểm điều chỉnh về kỹ thuật nhằm khắc phục bất cập như đã xảy ra năm 2021. Các giải pháp được thống nhất về mặt chủ trương là tăng cường ứng dụng CNTT, chuyển đổi số để giảm phiền hà cho thí sinh, đảm bảo công bằng giữa các thí sinh sử dụng nhiều phương thức xét tuyển và giảm tình trạng thí sinh ảo. Đặc biệt, với thay đổi trên có thể khắc phục tình trạng thí sinh muốn đậu vào một ngành nhưng lại mắc kẹt hồ sơ vì đã lỡ nộp vào một ngành khác trước đó. Vì phần mềm xét tuyển sẽ giúp thí sinh chọn ngành hợp sở trường, hợp sở thích nhất trong số các nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển.

Với cách làm năm nay, hệ thống xét tuyển của Bộ GD-ĐT không chỉ cập nhật dữ liệu kết quả thi mà sẽ cập nhật kết quả học tập lớp 10, 11, 12 của thí sinh để các trường tiện sử dụng. Ông Hoàng Minh Sơn khẳng định những điều chỉnh chỉ là giải pháp kỹ thuật, không gây xáo trộn đối với thí sinh và các trường.

Tuy nhiên trao đổi về việc này, ông Bùi Đức Triệu – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân – lại cho rằng dù chỉ là điều chỉnh kỹ thuật nhưng sẽ tác động lớn đến thí sinh và cả các trường. Ở thời điểm hiện tại, các trường đã xây dựng đề án tuyển sinh khá ổn định. Cụ thể ở Trường ĐH Kinh tế quốc dân đã có các phần mềm nộp hồ sơ, xét tuyển và nhập học, tất cả đều có thể đăng ký, xác nhận online. Nhưng với dự kiến điều chỉnh trên của bộ thì có thể các trường cũng phải có những thay đổi.

Việc cập nhật dữ liệu lên hệ thống xét tuyển của Bộ GD-ĐT với các phương thức như sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển học bạ còn có sự tương đồng. Còn các phương thức khác đang được các trường cho rằng có tính phân loại tốt hơn, đặc biệt là phương thức được khuyến khích như thi đánh giá năng lực. Khi cập nhật lên phần mềm xét tuyển chung rất cần phải tính toán để đảm bảo duy trì được quyền tự chủ của các trường và quyền lựa chọn của thí sinh.

Ông Triệu cho rằng nếu chỉ cần giải pháp để ngăn những trường gọi thí sinh nhập học sớm, không công bằng với thí sinh khác thì bộ có thể quy định một thời điểm nhất định cho các trường và quy định các trường phải cho thí sinh rút hồ sơ nếu muốn nhập học bằng nguyện vọng khác. “Lọc ảo thì được nhưng xét tuyển chung trong bối cảnh có nhiều phương thức xét tuyển như hiện nay thì khó”, ông Triệu nói.

Tại hội nghị cũng còn các ý kiến băn khoăn về việc chỉ cho mỗi thí sinh được trúng tuyển một nguyện vọng sau khi cập nhật lên phần mềm xét tuyển chung, vô hình trung lấy mất của thí sinh quyền được lựa chọn giữa nhiều nguyện vọng đã trúng tuyển. Có ý kiến đề xuất, đăng ký xét tuyển online thì không nhất thiết phải quy định sau kỳ thi tốt nghiệp mà có thể làm trước, chỉ nên chốt thời hạn cuối cùng là sau kỳ thi. Ông Sơn cũng dẫn lại bài học năm 2015 tình trạng “ảo” khiến các trường khó khăn nhưng sau khi Bộ GD-ĐT thực hiện lọc ảo thì việc tuyển sinh mới dần vào nề nếp.

Theo Tuổi Trẻ Online